NDĐT – “Chúng tôi đã tiến hành tấn công thử một số website của các cơ quan Nhà nước, nhưng chỉ có 23% trong số đó nhận biết được là có cuộc tấn công”. Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), khó khăn nhất đối với an toàn thông tin chính là khâu nhận thức, kiến thức.
Theo điều tra của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tiến hành năm 2008, có đến hơn một nửa cơ quan Nhà nước là không có nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách về an toàn thông tin, chỉ có 40% các cơ quan ban hành quy chế về an toàn thông tin, 10% cơ quan Nhà nước có quy trình xử lý sự cố về an toàn thông tin…
Tại Hội thảo Bảo đảm an toàn thông tin chính phủ điện tử diễn ra ngày 10-7, ông Khánh cho biết, để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Quy hoạch an toàn an ninh quốc gia đã đề xuất trong những năm tới phải đào tạo 1.000 chuyên gia an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm an ninh thông tin cho hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia và toàn xã hội, tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cấp quốc gia cho trên 80% cán bộ quản trị hệ thống của các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia và xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng cần thiết cho các chuyên gia trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thông tin.
Ông Hoàng Quốc Lập, Giám đốc Ban quản lý dự án Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam cho rằng, an toàn thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu trong ứng dụng CNTT, đặc biệt là để triển khai Chính phủ điện tử.
Trên quan điểm hệ thống Chính phủ điện tử là một hệ thống lớn, cấu trúc phức tạp do việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử có liên quan đến nhiều cấp, bộ, ngành khác nhau. Vì vậy, theo ông Lập, để giải quyết vấn đề an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử cần có phương pháp tiếp cận toàn diện và có giải pháp tổng thể.
Trong dự án Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Chính phủ Việt Nam được thực hiện từ năm 2006-2010 nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về CNTT-TT, hiện đại hóa Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện đại hóa công tác thống kê của Tổng cục Thống kê, xây dựng nền tảng cho Chính phủ điện tử TP Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, theo ông Lập, yêu cầu an toàn thông tin cũng là nội dung không thể thiếu trong các hạng mục liên quan của dự án.
Theo “Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước 2009-2010”, 5 nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử cũng đã được xác định. Đó là: Xây dựng hạ tầng khóa công khai cho các cơ quan Nhà nước, xây dựng Trung tâm kỹ thuật an toàn mạng quốc gia, hoàn chỉnh hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, xây dựng hệ thống xác thực quốc gia, xây dựng Trung tâm kiểm thử các giải pháp CNTT phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.
Hội thảo Bảo đảm an toàn thông tin chính phủ điện tử do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Ban quản lý dự án phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đồng tổ chức. Thông qua hội thảo, các giải pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn thông tin cho chính phủ điện tử được đưa ra xem xét bàn thảo một cách thấu đáo, toàn diện, góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai chính phủ điện tử của Việt Nam.