Thay vì trực tiếp đến cơ quan hành chính để tìm hiểu các quy định của pháp luật, các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết… người dân ngồi tại nhà vẫn có được những thông tin này một cách minh bạch và nhanh chóng. Môi trường giao tiếp điện tử giúp giảm thiểu những tốn kém về chi phí, thời gian, công sức của người dân. Thực tiễn của nhiều nước và của Việt Nam về hải quan điện tử, chứng minh thư điện tử, cấp giấy phép kinh doanh qua mạng v.v… là những minh chứng thuyết phục về tác động do ứng dụng công nghệ thông tin mang lại cho nền hành chính và cho xã hội.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng: "Để ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả thì phải tối ưu hóa được thủ tục hành chính. Việc ứng dụng CNTT và cải cách hành chính cần phải được tiến hành song song, vì cải cách hành chính là một quá trình lâu dài, chúng ta không thể đợi cải cách hành chính xong rồi mới tin học hóa. Khi ứng dụng CNTT tại cơ quan Nhà nước chưa cao, thì chưa thể thể cung cấp dịch vụ công hiện đại cho người dân được.”Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Việc xây dựng CPĐT sẽ là một phần trong chiến lược cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Đây cũng chính là chủ đề chính của Hội thảo quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam diễn ra trong 2 ngày (16-17/12/2008) tại Hà Nội.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đặt ra, với mục tiêu là loại bỏ bớt các thủ tục hành chính rườm rà với người dân. Theo TS. Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, thống kê sơ bộ, hiện, chúng ta có khoảng 6.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lí của Bộ, cơ quan ngang Bộ được thực hiện tại 4 cấp chính quyền (Bộ, tỉnh, huyện, xã), có 63 phiên bản thủ tục hành chính được thực hiện tại 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương với trên 400.000 biểu mẫu TTHC; có khoảng 20.000 văn bản pháp luật quy định TTHC, mẫu đơn, tờ khai…Với con số “khổng lồ” như thế, chúng ta cần phải rà soát, công khai, xây dựng được cơ sở dữ liệu chung, tiến tới cung cấp trực tuyến cho người dân.
Lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã đi qua được những chặng đường nhất định. Khởi đầu là quá trình tin học hóa theo Nghị định 43/CP của Chính phủ với những bước sơ khai là trang bị máy tính và nối mạng, đào tạo cán bộ và công chức sử dụng máy tính. Rồi đến Đề án 112, Nghị định 64/CP với nhiệm vụ tin học hóa quản lí hành chính, xây dựng nền tảng CPĐT và cung cấp dịch vụ hành chính công. Mục tiêu đến năm 2010-2015, chúng ta sẽ có được Chính phủ điện tử với nhiệm vụ cung cấp được các dịch vụ hành chính công cơ bản trực tuyến (đăng kí, cấp phép, thanh toán qua mạng), và cơ bản tích hợp được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu Quốc gia cung cấp cho người dân.
Theo đó, các cơ quan công quyền sẽ dần thay đổi thói quen làm việc dựa trên công văn, tài liệu giấy tờ chuyển sang phong cách làm việc dựa trên các văn bản điện tử và hệ thống thông tin trợ giúp. Quá trình số hóa thông tin phải được đẩy mạnh. Cải tiến quy trình thủ tục hành chính, chuẩn hóa nghiệp vụ, cung cấp thông tin trực tuyến cho cán bộ, người dân. “Bản thân triển khai ứng dụng CNTT là cải cách hành chính, tiết kiệm công sức, tiền của của nhân dân và nâng cao được hiệu quả quản lý của nhà nước. Tuy nhiện, xây dựng CPĐT là quá trình lâu dài, liên tục và gian nan; sẽ ưu tiên triển khai dịch vụ công, góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu suất cao, góp phần chống tham những và lãng phí” ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Hoài Nam
Khảo sát số liệu xây dựng Chính phủ điện tử
( Theo báo cáo VIETNAM ICT INDEX 2007)